Banner - Top - NEW
Menu portal
Thứ năm, 28/03/2024
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG BÌNH
Hiển thị nội dung bài viết

Một số kinh nghiệm trong đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám

04/11/2022
21:45:00
461

          Đổi mới phương pháp dạy học là để giúp học sinh phát triển năng lực, trí tuệ sáng tạo của riêng mình đồng thời giúp những giáo viên đến gần hơn với học sinh, định hướng cho việc học của học sinh trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, đổi mới chính là để hoàn thiện hơn về nền giáo dục. Vì vậy, trước thực trạng đổi mới toàn diện của ngành giáo dục, người giáo viên trong quá trình cần có sự đổi mới về phương pháp dạy học.

          Tại khoản 3 Điều 30 của Luật Giáo dục quy định: “Phương pháp giáo dục phổ thông phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh phù hợp với đặc trưng từng môn học, lớp học và đặc điểm đối tượng học sinh; bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, khả năng tư duy độc lập; phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quá trình giáo dục”. Môn Ngữ văn là môn học đặc thù. Nó vừa là khoa học vừa là nghệ thuật (nghệ thuật ngôn từ). Việc cảm nhận, đánh giá một vấn đề văn học có thể thay đổi theo thời gian và theo thị hiếu thẩm mĩ của mỗi người, mỗi thời đại. Từ bao đời nay, văn học và cuộc sống luôn có một mối quan hệ hữu cơ gắn kết khó có thể tách rời. Văn học - bằng chức năng và tác dụng diệu kì của mình, đã tiếp xúc, thu nhặt những chất liệu từ cuộc sống để khám phá, tái hiện và nâng cuộc sống lên một tầm cao mới, để tìm đến những giá trị chân - thiện - mĩ của cuộc đời. Bởi vậy, môn Ngữ văn trong nhà trường luôn được đề cao, chú trọng để khơi gợi tâm hồn, rèn giũa nhân cách cho biết bao thế hệ. Thế nhưng, nhiều học sinh lại chưa có cái nhìn đúng đắn cũng như chưa có đam mê tâm huyết cho bộ môn này, đa phần việc học văn đối với học sinh là do bắt buộc để phục vụ cho các kì thi dẫn đến các em không hứng thú, thụ động trong việc học, tiết học trở nên trầm lắng và mệt mỏi.

          Vậy, làm thế nào để giúp học sinh thêm yêu ngôn ngữ, yêu văn chương, đồng thời chất lượng bộ môn Ngữ văn được nâng lên? Đó là một câu hỏi cấp thiết dành cho những giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn. Việc đổi mới phương pháp dạy học gắn với phát triển năng lực người học đang diễn ra rất tích cực. Trong phạm vi trường THPT Hoàng Hoa Thám, đối với bộ môn Ngữ văn, việc đổi mới phương pháp được giáo viên nghiên cứu, vận dụng khá linh hoạt, phù hợp đối với nội dung cụ thể của từng bài học, từng đối tượng học sinh. Nhóm Ngữ văn với những giáo viên trẻ, năng động và nhiệt huyết, luôn trăn trở, tìm tòi để đổi mới phương pháp trong các giờ học để phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, nhờ đó, đã truyền được một phần niềm đam mê, sáng tạo cho học trò.

          Phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm đã tiến thêm một bước nữa trong việc giãn nới không gian tự do trên hành trình đến với tri thức. Với phương pháp này, trung tâm của hoạt động chiếm lĩnh tri thức trong lớp học không còn là người thầy mà là học sinh; người thầy không còn là người thuyết giảng chân lý, mà là người tổ chức cho học sinh tự mình chiếm lĩnh tri thức; và quan trọng hơn là giúp học sinh biết tôn trọng sự khác biệt và đạt được sự độc lập trong tư tưởng. Với phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, nếu người thầy không xem đó là phương pháp chủ trương khai mở vấn đề trên “nguyên lý đối thoại” thì sẽ không khuyến khích được “những tiếng nói khác” từ phía học trò. Trong phương pháp dạy học truyền thống, chúng ta thường thấy những lời vào bài mượt mà, trơn tru với câu từ bay bổng, trau chuốt của giáo viên. Tuy nhiên, lời vào bài có hay đến đâu cũng chỉ là hoạt động khởi động cho giáo viên là chủ yếu. Bởi học sinh vẫn đóng vai trò thụ động lắng nghe, được “vỗ về, dẫn dắt” bằng những lời có cánh. Còn cảm xúc, hứng thú chỉ là hiệu ứng “lây lan” từ giáo viên sang học sinh chứ không phải được khơi dậy, hình thành từ sự hoạt động của học sinh. Bởi vậy, cần phải loại bỏ việc người thầy nắm giữ độc quyền thông hiểu tác phẩm, vấn nạn văn mẫu trong dạy học. Nắm vững được những vấn đề cốt lõi ấy, trong quá trình giảng dạy, tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm để đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn như sau:

          Thứ nhất, đổi mới phương pháp dạy học truyền thống, dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, trình bày để học sinh thực sự trở thành trung tâm của tiết học.

          Điều này không có nghĩa là thay đổi hoàn toàn việc phải loại bỏ đi phương pháp dạy truyền thống như đàm thoại, dạy học thuyết trình hay luyện tập, mà điều cần làm chính là cải tiến chúng, để hạn chế các nhược điểm và nâng cao hiệu quả trong việc giảng dạy. Muốn phương pháp dạy học này mang lại hiệu quả, giáo viên cần phải nắm rõ yêu cầu và sử dụng thành thạo kỹ thuật ở khâu chuẩn bị cho đến việc giảng dạy trên lớp. Ngoài ra, cần nâng cao kỹ thuật đặt câu hỏi, cách xử lý các câu trả lời ở trong đàm thoại và kỹ thuật làm mẫu ở trong luyện tập. Với vấn đề, tăng cường để các em học sinh có thể tạo ra những buổi tranh luận, phản biện vấn đề ngay tại lớp. Mục tiêu của đổi mới giáo dục là đưa học sinh trở thành đối tượng trung tâm, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh. Nếu một giờ học chỉ nặng về lí thuyết sẽ làm cho học sinh nhàm chán cũng như không mang lại chất lượng tốt. Nhưng một giờ học kết hợp tốt giữa lí thuyết và thực hành, sẽ làm cho học sinh hứng thú. Tại sao lại như vậy? Bởi vì bản thân khi thực hành đã có tính hấp dẫn, có sự sôi nổi, có sức cuốn hút buộc học sinh phải là đối tượng trung tâm của hoạt động. Hơn nữa, thực hành sẽ giúp học sinh vừa sử dụng tư duy, vừa có tính đoàn kết, sáng tạo. Do đó, học sinh sẽ ghi nhớ nội dung bài học dễ dàng và bền vững hơn. Cũng vì vậy, học sinh sẽ phát triển được nhiều năng lực như năng lực giải quyết vấn đề, tự học, giao tiếp, hợp tác, nắm bắt cơ hội trả lời để ghi điểm (tạo tiền đề để học sinh nắm bắt cơ hội trong cuộc sống sau này)… Người học thấy được một cách trực tiếp, cụ thể kết quả học tập của mình, thúc đẩy tính tích cực, năng động, tự giác của người học. Ví như, khi dạy các tiết ôn tập, các tiết Văn học sử, Tiếng Việt nếu sử dụng trò chơi trong hoạt động khởi động, củng cố kiến thức sẽ làm cho học sinh hứng thú hơn.

Hình ảnh minh hoạ giờ học kết hợp trò chơi

          Thứ hai, dạy học tránh tình trạng đọc chép và yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.

          Xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học môn Ngữ Văn theo định hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh kết hợp phương pháp đọc, viết, nói và nghe; thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức Tiếng Việt, Văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp học. Đối với dạy đọc – hiểu văn bản, cần xác định rõ mục đích giúp học sinh biết cách đọc và tự đọc hiểu được văn bản; thông qua đó hình thành phẩm chất, nhân cách học sinh. Giáo viên dùng ngữ liệu làm phương tiện và việc tìm hiểu ngữ liệu là cách thức để hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu văn bản. Bên cạnh việc giúp học sinh hiểu được nội dung và hình thức của văn bản, cần chú ý trang bị cho học sinh công cụ, cách thức để đọc hiểu các văn bản cùng thể loại hoặc loại hình với văn bản được học. Giáo viên có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của học sinh; tránh đọc chép và yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Gắn dạy học với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phù hợp với từng đối tượng học sinh. Ví như, để cho học sinh có sự trải nghiệm ngay trong chính tiết học của mình, người viết đã mạnh dạn sân khấu hoá các tác phẩm văn học, từ đó, sẽ tạo cho học sinh có tính đoàn kết, sự hứng thú cũng như khắc ghi nội dung bài học dễ dàng hơn. Khi sân khấu hoá tác phẩm, các em sẽ hoá thân vào nhân vật, buộc các em phải thâm nhập sâu vào tác phẩm, đồng cảm với nhân vật trong tác phẩm. Thông qua việc sân khấu hoá, học sinh sẽ phát triển được năng lực tự học, hợp tác, sự tự tin trong giao tiếp, cũng như thấy được sự sáng tạo của học sinh. Rõ ràng, những tiết học như vậy sẽ mang lại hiệu quả cao hơn những tiết học khô khan, đơn giản như trước kia.

Hình ảnh minh hoạ việc sân khấu hoá tác phẩm của học sinh.

          Thứ ba, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin.

          Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực cần có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Dưới sự hỗ trợ của màn hình trình chiếu, phần mềm dạy học sẽ làm cho bài giảng trở nên thu hút, sinh động, tăng được sự hứng thú của học sinh. Một tiết học thú vị, cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó, ứng dụng công nghệ sẽ góp phần làm cho tiết học trở nên hấp dẫn. Khi muốn học sinh thấy được bối cảnh lịch sử, xã hội mà tác phẩm đã được thai nghén thì ứng dụng công nghệ là giải pháp tối ưu. Bằng cách trình chiếu bối cảnh của thời đại, hình ảnh của tác giả, tác phẩm hay những trích đoạn phim của các tác phẩm sẽ kích thích sự hứng thú của các em, giáo viên như là người hướng dẫn du lịch vượt thời gian đưa các em trở về với thời kỳ thương đau của dân tộc, đồng cảm với tác giả hay du ký qua những đất nước bạn xinh đẹp khi tìm hiểu các tác phẩm văn học nước ngoài. Văn học là nhân học, việc kết hợp học văn trong thời đại công nghệ số được xem là giải pháp hữu hiệu. Học sinh cũng có thể thông qua việc ứng dụng công nghệ để trình bày những bài thuyết trình về bài học, tạo cho học sinh có được sự sáng tạo tối đa khi sử dụng công nghệ vào môn học, những slide ấn tượng cùng những bài thuyết trình thú vị sẽ tạo cho học sinh hứng thú đối với bộ môn Văn.

Những tiết học ứng dụng công nhệ thông tin.

          Mục tiêu của chương trình Ngữ văn đặt ra là góp phần giúp học sinh hình thành những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi. Cho nên, đổi mới phương pháp dạy học là rất cần thiết để học sinh trở thành trung tâm của tiết học, để sau này, các em có được sự tự tin, hành trang vững bước để vào đời. Bởi, suy cho cùng, học Văn cũng chính là học làm người.

                                                                                                       Nguyễn Thị Hằng - Giáo viên, trường THPT Hoàng Hoa Thám

[Trang chủ]
Thông báo
Banner - Footer New

 

ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG BÌNH
Địa chỉ: 187 Hữu Nghị - TP. Đồng Hới - T. Quảng Bình
Điện thoại: 0232.3822190 - Fax: 0232.3820459 - Email: vanthu@quangbinh.edu.vn