Banner - Top - NEW
Menu portal
Thứ ba, 23/04/2024
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG BÌNH
Hiển thị nội dung bài viết

GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG BÌNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, TĂNG CƯỜNG KỈ CƯƠNG, TRÁCH NHIỆM HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2021-2022

19/11/2021
07:26:00
1173

Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhận hoa chúc mừng tại Đại hội lần thứ IX.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực, cố gắng triển khai hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mạng lưới trường, lớp các cấp học và trình độ đào tạo cơ bản ổn định. Việc tổ chức rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chuẩn bị cho triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã được triển khai tích cực; chất lượng đội ngũ từng bước được nâng lên và chuẩn hóa. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt được kết quả quan trọng. Hiện nay, tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 150/151 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 151/151 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; cả 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (Hoàn thành chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020). Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng dạy học, duy trì nền nếp và tăng cường cơ sở vật chất trường lớp. Ngành Giáo dục đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, đề ra giải pháp có tính đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 217/567 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 38,3%). Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác phân luồng học sinh trên địa bàn đã đạt được kết quả bước đầu.

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục đã tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống. Sở đã chỉ đạo các đơn vị linh hoạt trong điều chỉnh kế hoạch năm học và bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục của các cấp học phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Vì vậy, dù trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, các cấp học, các lĩnh vực đã hoàn thành nhiệm vụ với kết quả tốt. Các hội thi, các hoạt động trọng tâm của năm học được tổ chức thành công, kết thúc năm học đúng thời gian quy định. Công tác xã hội hóa giáo dục đã có nhiều chuyển biến, các lực lượng xã hội tham gia ngày càng tích cực vào việc huy động trẻ đến trường. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bước đầu đạt được những kết quả tốt. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục miền núi, giáo dục dân tộc được chú trọng. Chất lượng mũi nhọn tiếp tục được giữ vững và đạt kết quả cao. Đặc biệt, năm học 2020 - 2021 số lượng học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia đạt giải nhiều nhất trong 10 năm trở lại đây (có 41 giải/62 học sinh tham gia).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là: Mạng lưới trường lớp, quy mô phát triển vẫn còn khó khăn, nhất là đối với giáo dục mầm non. Tỷ lệ huy động trẻ vào nhà trẻ còn thấp so với mặt bằng chung toàn quốc. Tình trạng quá tải học sinh ở một số trường mầm non, tiểu học; sĩ số đông ở THCS, THPT; việc thừa thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường, các cấp học cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học ở một số địa phương còn bất cập, chưa chú ý đến yếu tố đảm bảo chất lượng khi sáp nhập điểm trường.

Đặc biệt, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thiếu nguồn kinh phí đầu tư để tăng trưởng cơ sở vật chất và trang thiết bị. Sự đầu tư kinh phí để duy trì và tăng trưởng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa ở một số địa phương còn hạn hẹp. Nhiều trường thiếu phòng học, trang thiết bị phục vụ dạy và học, các công trình phụ trợ như: nhà vệ sinh, nước sinh hoạt; xã hội hóa giáo dục còn khó khăn. Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng mũi nhọn đã có sự tiến bộ so với giai đoạn trước, nhưng cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng mong đợi và kì vọng của Nhân dân. Năng lực, kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh còn hạn chế. Lương và các chế độ khác cho giáo viên, nhân viên, cô nuôi đang bất cập, chưa tạo được động lực, bước nhảy quan trọng về chất lượng giáo dục.

Khai mạc Ngày hội STEM học sinh tiểu học

Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; là năm học toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của năm học, toàn ngành tiếp tục phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tập trung triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 11/CT-TU ngày 16/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Kế hoạch số 1998/KH-UBND ngày 20/9/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”; tích cực vận động triển khai, hưởng ứng và lan tỏa chương trình “Sóng và máy tính cho em”, “Máy tính cho em”.

Triển khai thực hiện các nội dung của chủ đề năm học 2021 - 2022 “Trách nhiệm, kỉ cương, linh hoạt, sáng tạo”; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” với nội dung trọng tâm “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; phát huy, khuyến khích các giải pháp đổi mới, sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, sáng kiến trong giảng dạy và công tác; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đề xuất các giải pháp cụ thể, cách làm sáng tạo, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, hiệu quả công tác, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học.

2. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với giáo dục. Trong đó, trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên là yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định. Bảo đảm đủ giáo viên, nhân viên các trường học, cấp học; đồng bộ về cơ cấu, mạnh về chất lượng, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với yêu cầu đổi mới; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Tập trung thực hiện công tác quy hoạch theo hướng bảo đảm phù hợp, sát với thực tiễn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục. Quan tâm phát triển các trường, các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở những vùng có điều kiện.

Ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, tự chọn phân hóa ở cấp THPT. Chuyển dần từ mục tiêu giáo dục tăng cường kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, từng bước thực hiện phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhất là cấp THPT. Nhìn nhận đúng, đầy đủ hơn về vai trò vị trí của cấp học mầm non, đây là cấp học nền tảng, là giai đoạn giáo dục quan trọng góp phần hình thành những yếu tố đầu tiên để trẻ chuẩn bị trở thành những công dân có ích cho xã hội, từ đó ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, có chế độ chính sách đặc thù cho cô giáo, nhân viên cấp học này góp phần duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiến tới thực hiện phổ cập cho trẻ mẫu giáo.

3. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn, tăng tỷ lệ trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; thực hiện cơ chế quản lý theo hướng thống nhất, tự chủ, chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục theo các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là quy định về giao, sử dụng biên chế, về tài chính; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trường học.

Ưu tiên kinh phí, huy động các nguồn lực đầu tư, trong đó có nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục nói chung và xây dựng cơ sở vật chất nói riêng; tập trung xóa phòng học tạm, học nhờ; đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh trường học; chú trọng đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của các ngành, các cấp chính quyền, toàn xã hội chung tay cùng chung tay với ngành Giáo dục để duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, phấn đấu đạt được chỉ tiêu về xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; giao trách nhiệm, chỉ tiêu phấn đấu; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và đưa ra những giải pháp khả thi để duy trì, giữ vững kết quả đạt được.

4. Tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đảm bảo cân đối nguồn lực để đầu tư các hạng mục công trình cơ bản; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành Giáo dục và các chương trình, đề án, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chú trọng đầu tư xây dựng bổ sung cơ sở vật chất còn thiếu, nhất là phòng học văn hóa, phòng học bộ môn, nhà vệ sinh, thư viện, phòng chức năng và thiết bị dạy học tối thiểu để triển khai thực hiện có hiệu quả, phù hợp với tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, xây dựng cơ chế hợp lý nhằm huy động sự ủng hộ của các doanh nghiệp, sự đóng góp của nhân dân hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất trường học.

Tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức các kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 trong tình hình mới.

5. Tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động kiểm soát, rà soát thủ tục hành chính; cập nhật, niêm yết công khai thủ tục hành chính đầy đủ, đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện cho người dân giải quyết các thủ tục hành chính qua môi trường mạng một cách thuận lợi; hướng dẫn, tạo lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho 100% người dân khi đến giao dịch; đẩy mạnh tuyên truyền, tạo thói quen cho người dân đăng ký xử lý các thủ tục hành chính trên môi trường mạng; nâng cao chất lượng thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Xây dựng kế hoạch, tích cực chuyển đổi số trong giáo dục; triển khai có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước; áp dụng và tiếp tục triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.

6. Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; góp phần đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo; chủ động nắm bắt các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong toàn ngành để chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra. Tiếp tục chỉ đạo tốt việc thực hiện nhiệm vụ kép với mục tiêu tăng cường, tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 và bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ giáo dục phù hợp với tình hình mới.

Có thể khẳng định, Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đang tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các nhà trường, trong hệ thống quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, xây dựng môi trường sư phạm thực sự lành mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.

 

                                                                                                      Đồng chí ĐẶNG NGỌC TUẤN

                                                                                             TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

[Trang chủ]
Thông báo
Banner - Footer New

 

ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG BÌNH
Địa chỉ: 187 Hữu Nghị - TP. Đồng Hới - T. Quảng Bình
Điện thoại: 0232.3822190 - Fax: 0232.3820459 - Email: vanthu@quangbinh.edu.vn