Banner - Top - NEW
Menu portal
Thứ ba, 16/04/2024
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG BÌNH
Hiển thị nội dung bài viết

Trải nghiệm sáng tạo trong dạy học Ngữ văn ở trường THPT Đồng Hới

17/06/2022
03:14:00
271

          Trong chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình tổng thể - Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), bảng tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp THPT bao gồm các môn học, chuyên đề học tập lựa chọn và một trong những hoạt động giáo dục bắt buộc là hoạt động trải nghiệm. Chính vì vậy, ngay từ năm học 2021-2022, trong quá trình dạy học môn Ngữ văn, giáo viên Văn trường THPT Đồng Hới đã chú trọng thực hiện hoạt động trải nghiệm nhằm mang những trang văn, trang thơ gần gũi hơn với những trang đời.

          Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm có thể tiến hành dưới rất nhiều hình thức, phương pháp khác nhau như tổ chức câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa, diễn đàn… Tùy vào điều kiện thực tế, tùy vào nội dung bài học và quy mô tổ chức mà giáo viên, tổ chuyên môn có sự lựa chọn các hoạt động trải nghiệm thích hợp.

          Đối với tổ Ngữ văn trường THPT Đồng Hới, một số phương thức trải nghiệm tiêu biểu mà chúng tôi đã tổ chức thành công cho học sinh là:

          Tham quan khám phá

          Được đến với thế giới tự nhiên, được trải nghiệm với thực tế cuộc sống, được ghé thăm các danh lam thắng cảnh, khu di tích quốc gia… gắn với chủ đề dạy học sẽ giúp học sinh hứng thú hơn với nội dung bài học, giúp học sinh có được những trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, do đặc thù bộ môn là mang đến nhận thức không chỉ của một vùng miền mà của mọi vùng miền, không chỉ ở một khoảng không thời gian mà ở mọi khoảng không thời gian nên quá trình tham quan khám phá chủ yếu chỉ được diễn ra thông qua hình thức gián tiếp. Qua các video giới thiệu có thể của giáo viên cung cấp, có thể do học sinh chuẩn bị dưới sự hướng dẫn của giáo viên, hoạt động trải nghiệm tham quan khám phá khiến những hình ảnh, những nhân vật trong trang văn trở nên gần gũi hơn giữa đời thường, những kiến thức từ trang văn được áp dụng vào thực tế.

          Thể nghiệm tương tác

          Phương thức này diễn ra với sự phong phú, đa dạng. Học sinh được trực tiếp trải nghiệm (khác với đi trải nghiệm), học sinh có thể hóa thân vào nhân vật, trải nghiệm cuộc đời của các nhân vật khác nhau bằng việc tham gia diễn kịch, sân khấu hóa các trích đoạn trong tác phẩm, hát, múa, ngâm thơ, diễn xướng…liên quan đến nội dung, chủ đề bài học. Trong các tiết học, thay vì phương pháp phát vấn, giáo viên tổ chức một số trò chơi như: Đuổi hình bắt chữ, Ai nhanh hơn…; tổ chức các cuộc thi hùng biện, thi trả lời kiến thức, tạo ra các sân chơi giao lưu tương tác như Gặp gỡ nhà văn hâm mộ…Chính những thể nghiệm tương tác này vừa tạo hứng thú vừa kích thích được sự sáng tạo ở học sinh, đồng thời kiến thức văn chương sẽ đi vào tiềm thức các em một cách tự nhiên, dễ dàng hơn.

Học sinh thể nghiệm sân khấu hóa tác phẩm văn học Chí Phèo – Nam Cao

          Phương thức nghiên cứu

          Đây là cách thức tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh cảm thụ tác phẩm văn học. Tuy nhiên, khác với hình thức kiểm tra viết trên lớp học sinh dễ bị thuộc vào tài liệu sẵn có nên ít có những cảm nhận, đánh giá, thẩm bình riêng. Với phương thức nghiên cứu, thông qua Câu lạc bộ văn học, qua tờ báo Bụi phấn của Đoàn trường, qua phối hợp với Đoàn trường tổ chức các cuộc thi viết theo chủ đề gắn với các ngày lễ lớn, học sinh có thể tham gia các đề tài, lập dự án nghiên cứu, thể hiện năng khiếu văn chương của bản thân. Theo đó, tổ chức hoạt động theo phương thức này sẽ giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ, năng lực tư duy, năng lực cảm thụ văn học.

Báo Bụi phấn – nơi ghi dấu tài năng văn chương của HS trường THPT Đồng Hới

          Có thể khẳng định rằng dạy học Ngữ Văn hiệu quả nhất là mang đến tình yêu văn chương cho học sinh, giúp học sinh vận dụng được kiến thức của văn chương vào cuộc sống. Mọi sự hô hào, thuyết lí khô khan, dùng tác phẩm để minh họa sơ lược, vụng về cho một nguyên lí đạo đức, một kĩ năng sống nào đó đều không làm tăng mà ngược lại có khi làm giảm hiệu quả giáo dục của tác phẩm, hạn chế ý nghĩa, vai trò của nó. Với trải nghiệm sáng tạo trong dạy học Ngữ văn, học sinh sẽ được tham gia tích cực vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động: từ thiết kế hoạt động đến chuẩn bị, thực hiện, các em học sinh sẽ có cơ hội được trải nghiệm, được bày tỏ quan điểm, ý tưởng; được tự khẳng định bản thân, được tự đánh giá và đánh giá kết quả hoạt động của bản thân, của nhóm mình và của bạn bè… Từ mỗi trang văn, học sinh sẽ nhận ra nhiều điều đẹp đẽ trong cuộc sống, sẽ tự tin, ứng xử tốt trong cuộc sống, nhẹ nhàng, bình tĩnh trước những bế tắc của cuộc sống. Từ đó, văn chương còn mang đến tác dụng phát triển những kĩ năng sống và các năng lực sống cần thiết cho học sinh.

                                                                                                                                            Đào Thị Hải Yến

                                                                                                                    TTCM tổ Ngữ văn, trường THPT Đồng Hới

[Trang chủ]
Thông báo
Banner - Footer New

 

ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG BÌNH
Địa chỉ: 187 Hữu Nghị - TP. Đồng Hới - T. Quảng Bình
Điện thoại: 0232.3822190 - Fax: 0232.3820459 - Email: vanthu@quangbinh.edu.vn