Banner - Top - NEW
Menu portal
Thứ ba, 16/04/2024
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG BÌNH
Hiển thị nội dung bài viết

Những trải nghiệm ban đầu về mô hình Câu lạc bộ kết nối xuyên biên giới trong dạy học tiếng Anh của trường THPT Nguyễn Trãi

26/08/2022
09:58:00
301

          Câu lạc bộ tiếng Anh - kết nối xuyên biên giới được lấy ý tưởng từ lớp học xuyên biên giới (Borderless Classroom Model) là một mô hình dạy và học tiếng Anh khá mới mẽ đối với các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Việc áp dụng mô hình này vào dạy học để nâng cao chất lượng môn tiếng Anh trong nhà trường THPT là hoàn toàn có thể nếu chúng ta quyêt tâm và xây dựng được một chương trình dạy học hợp lí.

          Trong những năm vừa qua, đội ngũ giáo viên dạy môn tiếng Anh của trường THPT Nguyễn Trãi đã nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh trên mảnh đất miền Tây Bố Trạch còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thực tế, dù đóng trên địa bàn miền núi nhưng Trường THPT Nguyễn Trãi luôn có sự đầu từ tích cực về trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học tiếng Anh. Nhà trường không những có phòng dạy ngoại ngữ được trang bị hiện đại mà còn tổ chức nhiều buổi ngoại khóa, nhiều mô hình câu lạc bộ tiếng Anh được thành lập với kì vọng là nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh trong nhà trường. Tuy vậy, trong quá trình triển khai đã gặp không ít khó khăn và thử thách. Trở ngại lớn nhất là ý thức học tập ngoại ngữ của học sinh, một bộ phận không nhỏ học sinh chưa tích cực học tập tiếng Anh để trang bị vốn ngoại ngữ cho mình trong cuộc sống. Mặt khác, dù có nhiều buổi ngoại khóa, nhiều hình thức câu lạc bộ tiếng Anh nhưng sự tham gia của các em chưa thật sự tích cực.

          Chỉ đến khi mô hình “Lớp học xuyên biên giới” ra đời, các cô giáo đã mạnh dạn lồng ghép các hoạt động kết nối vào câu lạc bộ tiếng Anh của trường. Vẫn biết còn quá sớm để nói về những thành công, nhưng với những kết quả ban đầu đã mang đến nhiều niềm tin và hi vọng.

          Trước hết, xin được nói về mô hình “lớp học xuyên biên giới” của một cô giáo Mường mà chúng tôi thật sự ngưỡng mộ. Cô giáo Hà Ánh Phượng, top 10 giáo viên toàn cầu, là một cô giáo trẻ dạy tại trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ. Cô giáo ấy là người khởi đầu mô hình lớp học xuyên biên giới - Borderless Class Model (BCM), có thể hiểu đơn giản, đây là mô hình lớp học sẽ được kết nối với các lớp học khác hoặc các giáo viên, chuyên gia trên toàn đất nước hoặc thế giới để trao đổi kiến thức về văn hóa, ẩm thực, truyền thống,…thông qua việc sử dụng tiếng Anh. Gọi là lớp học xuyên biên giới vì nó không giới hạn về mặt không gian, các lớp học đó có thể được kết nối với các lớp ở nơi khác trên đất nước và rộng lớn hơn là ở các đất nước khác trên toàn thế giới. Điều đặc biệt ở lớp học này là học sinh buộc phải sử dụng tiếng Anh để giao lưu và học hỏi. Đối với nhà trường việc dạy tiếng Anh không chỉ đơn giản là truyền đạt cho học sinh kiến thức về ngôn ngữ mà còn cả bầu trời kiến thức về văn hóa. tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, nó chính là cầu nối cho hội nhập và phát triển. Là giáo viên dạy tiếng Anh trong trường, chúng tôi luôn mong muốn học sinh của mình có cái nhìn xa hơn về thế giới và mở mang kiến thức một cách tự nhiên nhất. Và câu lạc bộ tiếng Anh - kết nối xuyên biên giới chính là thử thách của của cô trò trong câu lạc bộ năm học 2021-2022.

          Để có thể thuận lợi kết nối, cô và trò bắt đầu tìm hiểu về múi giờ, vì bây giờ Việt Nam đang buổi sáng nhưng ở Mỹ là ban đêm, là Nhật Bản, Hàn Quốc đi trước Việt Nam cả hai tiếng đồng hồ, rồi thì đất nước xinh đẹp Maldives hay Ấn Độ lại lệch múi giờ so với chúng ta cũng vài tiếng. Ngoài ra, các thành viên câu lạc bộ phải tập sử dụng các nền tảng dạy học trực tuyến như Zoom hay Skype.

          Tất cả lần đầu tiên kết nối của cô trò trong câu lạc bộ đều thất bại, là lúc thiết bị gặp trục trặc sự cố, là lệch múi giờ, là học sinh không tự tin sử dụng tiếng Anh, là mạng lỗi đột ngột,…Nhưng thật may mắn vì các lớp học cùng kết nối đều rất thông cảm và đồng ý kết nối những lần khác hoặc bằng hình thức khác. Sau mỗi buổi chưa thành công, nhiều lúc cô và trò cũng cảm thấy khó khăn, nhưng dừng lại là đều không nghĩ tới.

          Cô và trò cùng suy nghĩ lại, xem lại tại sao mình lại bắt đầu, tại sao lại không suôn sẻ, dần rút ra kinh nghiệm và tiếp tục thử, tiếp tục kết nối. Điều khiến giáo viên lo lắng nhất là thái độ của học sinh, sự chuẩn bị của học sinh trước một buổi “vượt biên” như thế bởi vì đó là hình ảnh của đất nước, của con người Việt Nam trước các nước bạn. Giáo viên trong câu lạc bộ đã cố gắng động viên, khích lệ và cùng các em chuẩn bị kĩ càng cho mỗi buổi hoạt động của câu lạc bộ. Có lẽ sự kiên trì cùng với sự hợp tác của học sinh mà các thành viên câu lạc bộ đã vượt biên thành công sang Philippines, Maldives, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Mexico,... trong những bài học đầu tiên của mình.

          Mặc dù mỗi buổi kết nối chưa thực sự khiến cô trò hài lòng hoàn toàn, chưa thu được những kết quả trọn vẹn nhưng đó là cả một quá trình cố gắng không ngừng nghỉ của các thành viên trong câu lạc bộ. Sau mỗi buổi, học sinh hứng thú hơn, mạnh dạn hơn trong sử dụng tiếng Anh và điều thu được lớn nhất đó chính là sự hiểu biết về một nền văn hóa ở một đất nước mà các em chưa từng đặt chân đến, thậm chí là chưa biết đến.

          Buổi kết nối đầu tiên qua Skype là với cô giáo Erika dạy Yoga đến từ Philippines là lần đầu được thấy một giáo viên nước ngoài nói tiếng Anh hoàn toàn, các em đã vô cùng e thẹn và ngại ngùng. Và đặc biệt là đa số các em chưa hiểu được hết những gì cô giáo nói, lúc này giáo viên trong câu lạc bộ đã hỗ trợ dịch sang tiếng Việt và giúp các em làm quen với những gì cô giáo hướng dẫn.

Học sinh khối 10 đang thử nghiệm tập Yoga cùng cô giáo Erika đến từ Philippines

          Các em còn được tìm hiểu đất nước Maldives trong buổi kết nối Zoom với thầy Selvam - giáo viên Sinh học. Thầy đã cho các em chiêm ngưỡng cuộc sống đầy phong phú của các loại động thực vật dưới lòng đại dương. Là một buổi học đầy sinh động và mới lạ, các em bắt đầu tò mò và đặt câu hỏi cho thầy, lúc này các em đã dần quen và bắt đầu sử dụng tiếng Anh cho những câu hỏi của mình.

Học sinh Nguyễn Thị Khánh Ly lớp 10A10 đang đặt một số câu hỏi cho giáo viên sinh học đến từ Maldives sau khi xem video clip

          Ngoài việc kết nối với các lớp học khác, với các học sinh cùng độ tuổi để các em có thể dễ dàng chia sẻ thì tôi cũng cố gắng mời các giáo viên nước ngoài tham gia các tiết học thuyết trình của học sinh mình. Chương trình sách tiếng Anh thí điểm lớp 10 yêu cầu sau mỗi bài học đều có sản phẩm dự án của học sinh tự làm. Đây là một điểm mới rất hay và thực tế giúp phát triển năng lực học sinh thông qua các dự án. Thường thì các học sinh làm việc theo nhóm, các em tìm thông tin và thiết kế các bài thuyết trình theo ý tưởng của mình. Sau mỗi bài thuyết trình trước cả lớp bằng tiếng Anh, các em dần tự tin hơn và sáng tạo hơn. Với tiết học có sự tham gia của giáo viên nước ngoài, các em thực sự đã giới thiệu được những nét đặc trưng, những sản phẩm mang đậm hình ảnh đất nước Việt Nam. Các em rất tự tin trả lời được một số câu hỏi mà giáo viên đưa ra để đất nước chúng ta đẹp hơn trong mắt các nước bạn.

          Từ những tiết học đầy mới lạ như thế, các em dần quen và cứ đến tiết lại hỏi hôm nay chúng ta gặp nước nào vậy cô! Chúng tôi hiểu những viên gạch đầu tiên đã xây lên trên con đường học tiếng Anh xuyên biên giới. Năm học 2021-2022 đã khép lại, nhưng những buổi sinh hoạt xuyên biên giới của bộ môn tiếng Anh mới chỉ thật sự bắt đầu. Những buổi sinh hoạt theo mô hình Borderless Classroom Model sẽ là chìa khóa giúp chúng ta tháo gỡ những khó khăn trong dạy học ngoại ngữ. Chúng tôi nghĩ rằng, dạy học chỉ thật sự mang lại hiệu quả khi ý thức người học được nâng lên. Dạy học tiếng Anh theo lối truyền thống, lặp đi lặp lại, không đổi mới đã vô hình chung khiến học sinh mất đi hứng thú học tập của mình. Việc áp dụng mô hình “Lớp học xuyên biên giới” vào trong quá trình dạy và học tiếng Anh sẽ góp phần thúc đẩy ý thức học tập, khơi dậy hứng thú tìm tòi, sáng tạo của của các em học sinh.

          Bài viết này là những chia sẻ về mô hình câu lạc bộ tiếng Anh xuyên biên giới tại trường THPT Nguyễn Trãi. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, những chia sẻ phong phú của các thầy cô giáo dạy ngoại ngữ trên quê hương Quảng Bình, để chất lượng dạy và học tiếng Anh của tỉnh nhà ngày càng được nâng cao hơn nữa.

                                                                           Đỗ Thị Vỹ Hạnh - TTCM tổ Ngoại ngữ, trường THPT Nguyễn Trãi

[Trang chủ]
Thông báo
Banner - Footer New

 

ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG BÌNH
Địa chỉ: 187 Hữu Nghị - TP. Đồng Hới - T. Quảng Bình
Điện thoại: 0232.3822190 - Fax: 0232.3820459 - Email: vanthu@quangbinh.edu.vn