Banner - Top - NEW
Menu portal
Thứ sáu, 29/03/2024
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG BÌNH
Hiển thị nội dung bài viết

Mô hình trường PTDTBT trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi Lâm Hóa huyện Tuyên Hóa

10/08/2022
11:25:00
365

          Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lâm Hóa tiền thân là Trường TH&THCS Lâm Hóa, được chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) từ năm học 2016-2017. Cùng với việc phát triển về quy mô, số lượng và cải thiện chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), mô hình trường PTDTBT đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng DTTS, miền núi.

          Đầu năm học 2016-2017, Trường TH&THCS Lâm Hoá đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú. Đây là trường PTDTBT liên cấp đầu tiên tại huyện Tuyên Hoá dành cho học sinh vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Toàn trường hiện có 267 học sinh, trong đó có 54 em học sinh dân tộc tham gia mô hình bán trú. Trường có 01 bếp ăn và 05 phòng ở đáp ứng nhu cầu ăn ở bán trú cho học sinh. Hiện nay trường đang tiếp tục tham mưu các cấp để xây dựng thêm phòng ở cho học sinh.

          Ngay từ khi đi vào hoạt động, nhà trường đã thành lập Tổ quản sinh gồm nhân viên y tế, cô nuôi và một số giáo viên, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Nhà trường xây dựng nội quy khu nội trú, trong đó quy định rõ giờ giấc sinh hoạt, nề nếp, tác phong, nếp sống văn minh trong khu nội trú; phân công lãnh đạo, giáo viên trực bán trú 24/24 để theo dõi, quản lý mọi hoạt động của học sinh ở lại bán trú. Trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường thông báo đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi mà các em được hưởng, triển khai những nội quy, quy định của nhà trường đối với học sinh bán trú, qua đó giúp các bậc phụ huynh nắm bắt kịp thời, phối hợp với nhà trường thực hiện có hiệu quả công tác quản lý học sinh.

Các em học sinh DTTS sinh hoạt bán trú tại trường.

          Việc chuyển đổi sang mô hình trường bán trú đã góp phần giúp cho giáo viên quản lý học sinh chặt chẽ hơn, phát hiện được sớm các vấn đề trong sinh hoạt, học tập của học sinh. Cuộc sống tập thể tại trường với sự hỗ trợ sát sao của giáo viên giúp cho học sinh bước đầu hình thành các thói quen tốt, giúp các em có trách nhiệm và tự lập. Phụ huynh và học sinh dân tộc rất phấn khởi, số học sinh dân tộc đi học hàng ngày được duy trì đầy đủ, nề nếp sinh hoạt và học tập của học sinh dân tộc được nâng lên rõ rệt.

          Bên cạnh đó, việc ở nội trú tập trung ngay tại trường cũng góp phần đảm bảo sức khỏe và chất lượng học tập của học sinh, giảm thiểu rủi ro cho các em trong việc đi lại; học sinh không phải trèo đèo, lội suối đi bộ để đến lớp. Các thầy cô giáo cũng đỡ vất vả thức dậy sớm đến từng nhà chở học sinh tới trường như những năm học trước.

          Đối với trường nằm ở địa bàn vùng cao, vùng DTTS, việc duy trì sĩ số học sinh là vấn đề được nhà trường đặc biệt quan tâm. Nhằm giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, trong những năm qua, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp như: Phối hợp cùng chính quyền địa phương, phụ huynh trong quản lý học sinh; nâng cao nhận thức phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của giáo dục; tổ chức các nhóm vận động học sinh ra lớp,... Thành lập các tổ tuyên truyền với sự vào cuộc của lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể của xã, già làng, trưởng bản, cán bộ quản lý, giáo viên cùng tham gia.

          Ngoài ra, nhà trường còn tích cực triển khai các chương trình, phong trào mà ngành Giáo dục phát động nhằm tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh cho học sinh. Bên cạnh tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập trên lớp, nhà trường còn lồng ghép các buổi sinh hoạt ngoại khóa gắn với tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí giúp học sinh có nhiều trải nghiệm, góp phần giáo dục kỹ năng sống cho các em. Nhà trường tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho học sinh; tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn văn nghệ nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn. Tổ chức đời sống nội trú tại trường PTDTBT văn minh, tiến bộ; lồng ghép giáo dục kỹ năng sống của học sinh DTTS phù hợp với môi trường sống; Tổ chức cho học sinh tham quan di tích lịch sử, di tích cách mạng - thăm Hang Lèn Hà; thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Bữa ăn của các em học sinh bán trú tại trường.

          Bên cạnh chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho học sinh, các thầy cô trong Chi đoàn kết hợp với Liên đội tổ chức cắt tóc cho học sinh mỗi tháng một lần, gom xe hỏng để sữa chữa cho các em đi học; giáo viên tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí, làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh; tuyên truyền giúp học sinh biết giữ vệ sinh cá nhân, có nếp sống khoa học, văn minh, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, cổ hủ,...

Đoàn viên giáo viên cắt tóc cho học sinh DTTS.

          Nhà trường thực hiện tốt việc giảng dạy tiếng Việt và tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, đọc thông viết thạo; đồng thời, giúp các em tự tin hơn khi giao tiếp với giáo viên, bạn bè. Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Hóa phối hợp với Trường TH Thanh Lạng tổ chức giao lưu Tiếng Việt cho học sinh DTTS 02 lần/năm nhằm nâng cao chất lượng học tiếng Việt cho học sinh dân tộc.

          Nhờ thực hiện có hiệu quả mô hình bán trú và triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nên kết quả giáo dục của nhà trường đã có những chuyển biến đáng kể. Số học sinh bỏ học giữa chừng nhất là sau các dịp lễ, Tết giảm hẳn; hàng năm, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình TH đạt 100%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%.

          Mặc dù để hoạt động theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú nhà trường đang gặp một số khó khăn nhất định về CSVC nhưng bước đầu công tác bán trú tại Trường PTDT bán trú Lâm Hoá đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số xã Lâm Hoá./.

                                                                                      Nguyễn Thị Hương - Phòng GDĐT Tuyên Hóa

[Trang chủ]
Thông báo
Banner - Footer New

 

ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG BÌNH
Địa chỉ: 187 Hữu Nghị - TP. Đồng Hới - T. Quảng Bình
Điện thoại: 0232.3822190 - Fax: 0232.3820459 - Email: vanthu@quangbinh.edu.vn